Tạo động lực làm việc thông qua việc thực thi văn hóa doanh nghiệp tại đơn vị

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng có câu nói rất hay: “Chúng ta phải nhớ rằng: Người đời ai cũng có chỗ hay, chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong, đều tùy chỗ mà dùng được…. Tư tưởng hẹp hòi thì hành động cũng hẹp hòi, thì nhiều thù ít bạn. Người mà hẹp hòi thì ít kẻ giúp. Đoàn thể mà hẹp hòi thì không thể phát triển”.

Lời nói trên được trích trong “Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người bận công việc chung không đến tham dự cùng các đồng chí Bắc Bộ để phê bình, kiểm thảo và bàn bạc công việc đẩy mạnh kháng chiến.

Mỗi con người chúng ta đều có thế mạnh riêng, có suy nghĩ, có cá tính riêng. Mỗi tổ chức đều có những định hướng, mục tiêu riêng. Chúng ta là một nhân tố của tập thể, làm sao để chúng ta có được niềm vui trong công việc? Làm sao chúng ta có thể cân bằng được cuộc sống gia đình và công việc? Làm sao để chúng ta luôn ở trạng thái sẵn sàng, tiếp thu học hỏi những cái mới? Làm sao để chúng ta xem việc đi làm như một ngày vui? Làm sao chúng ta tìm được công việc phù hợp với năng lực, sở trường của mình? Làm sao Lãnh đạo Công ty có thể xây dựng được một môi trường làm việc phát huy được khả năng sáng tạo, phát huy được thế mạnh cũng như là luôn đem đến động lực, cảm xúc tích cực cho mỗi người lao động?

Hiểu được những trăn trở đó của CBCNV, Lãnh đạo Công ty Thủy điện Đồng Nai đã tổ chức khóa “Tạo động lực làm việc và văn hóa doanh nghiệp” nhằm góp phần nâng cao năng lực làm việc và kỹ năng hoạt động thực chất cho độ ngũ cán bộ nhân viên Công ty Thủy điện Đồng Nai đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay gắn với việc thực thi VHDN tại Công ty.

Khóa đào tạo được diễn trong trong hai ngày 05 và 06/10/2023 do giảng viên TS. Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia trực tiếp giảng dạy cho gần 120 CBCNV của Công ty Thủy điện Đồng Nai.


Ông Nguyễn Quang Vĩnh – Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Đồng Nai

Chương trình đào tạo bao gồm rất nhiều các nội dung vô cùng ý nghĩa mang tính thực tiễn cao: Cách tạo động lực làm việc, ý nghĩa cho thành công và hạnh phúc của cá nhân và tổ chức; Các cách tổ chức tạo động lực cho nhân viên; Các cách cá nhân tự tạo động lực cho chính mình và ảnh hưởng tích cực lên đồng nghiệp; Làm sao để xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp để cùng nhau tạo động lực trong công việc; Cách để chúng ta có thể cân bằng công việc và cuộc sống; Tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp; Kỹ năng chuyển hóa cảm xúc tiêu cực để giao tiếp hiệu quả; Cách tạo năng lượng tích cực để khỏe, vui mỗi ngày…

TS. Phạm Thị Thúy – Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia Phân viện TP. HCM giảng dạy khóa học

Với những nội dung vô cùng phong phú, và thực tiễn hóa bài giảng, mỗi một đề tài, mỗi một nội dung là những đúc kết vô cùng sâu sắc, làm cho người học như thấm sâu vào từng câu chữ, như cảm thấy đâu đó là những câu chuyện trong gia đình mình, là những tình huống xung đột giữa gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, đối tác… mà mình từng trải qua.

Khóa đào tạo “Tạo động lực làm việc và văn hóa doanh nghiệp” tại Công ty Thủy điện Đồng Nai

Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, thế hệ trẻ ngày nay có nhận thức về các vấn đề tâm lý cao gấp 2 lần so với thế hệ sinh ra cách đây 40-60 năm, nhưng kém xa trong việc kiểm soát hành vi của mình. Nhưng có phải từ “bông tuyết” ta chỉ thường gặp trong giới trẻ? Không phải vậy, đối với người lớn trưởng thành của chúng ta cũng rất nhiều người rơi vào tình trạng “bông tuyết”: Không có mục tiêu sống, không có định hướng tương lai, bị trầm cảm, rối loạn lo âu, vướng vào các tệ nạn xã hội, bắt chước các thần tượng nhưng sự bắt chước cực đoan, có hại,  thờ ơ với các mối quan hệ thực tế trong xã hội, chỉ thích sống lối sống ảo trên mạng xã hội… Thuật ngữ "Snowflake" (bông tuyết) được sử dụng để miêu tả những người được coi là quá dễ bị tổn thương về mặt cảm xúc khi đối diện với các thách thức. Họ là người không cảm thấy được hạnh phúc.

Vậy chúng ta hạnh phúc khi nào? Khi chúng ta được vui, có những cảm xúc tích cực, khi chúng ta được ghi nhận, được khen ngợi; khi chúng ta có mối quan hệ tích cực với mọi người; khi chúng ta có niềm tin, hy vọng, tìm ra ý nghĩ, lý do của mỗi hoạt động; chúng ta có được thành tựu, có tiến bộ mỗi ngày; chúng ta được quan tâm đến sức khỏe. Chúng ta hạnh phúc nhất khi có một cơ thể khỏe mạnh, có được sự cân bằng giữa các mối quan hệ, có được cuộc sống gia đình yêu thương, hỗ trợ nâng đỡ nhau. Hạnh phúc đơn giản chỉ là sự cân bằng, nhưng thực tế không có sự cân bằng tuyệt đối, chúng ta chỉ tiệm cận sự cân bằng mà thôi.

Trong tất cả các mối quan hệ của chúng ta, đều sẽ được cải thiện khi chúng ta sử dụng 5 ngôn ngữ của tình yêu thương, bao gồm: Những lời khen, dành thời gian cho nhau, quà tặng cho nhau, sự quan tâm chăm sóc và những cử chỉ thể hiện tình cảm.

Chúng ta hãy nói cho nhau nghe những lời khen tặng, những lời biết ơn vì ai đó đã giúp đỡ ta một việc gì, hãy nói những lời khuyến khích, những lời nói tử tế với nhau, hãy đừng ra lệnh, mà hãy nhờ người khác hỗ trợ mình, tỏ lòng thán phục nhau nếu họ thực sự làm được một việc mà mình khó có thể thực hiện được.

Chúng ta hãy chú ý đến thời gian ở bên cạnh nhau, làm việc cùng nhau, trân trọng những phút giây được ở bên nhau, đừng để cho chiếc điện thoại nhỏ bé kia che lấp đi hết đi không gian bao la của tình yêu thương. Sự kết nối giữa con người với con người là do khả năng giao tiếp, quan hệ xã hội có được là do chúng ta biết giao tiếp, người có văn hóa là người đi đến đâu cũng làm cho người khác vui.

Chính chúng ta là người chịu trách nhiệm về cảm xúc của mình. Trong công việc cũng như trong cuộc sống, việc chuyển hóa cơn giận cũng đồng nghĩa với việc thay đổi cách nhìn, cách nghĩ về sự việc, việc nghiền ngẫm sự giận dữ sẽ càng khơi nó lên, nếu thay đổi cách nhìn đi thì sẽ dập tắt được ngọn lửa giận dữ trong lòng, giúp chúng ta suy nghĩ tích cự, đa chiều.

“Nếu một người không thể thay đổi hoàn cảnh khiến mình đau khổ thì người đó vẫn có thể tự do chọn cho mình một thái độ sống”

(Sách “Đi tìm lẽ sống” – Tác giả Viktor E. Frankl)

Chúng ta hãy nhớ về nguyên tắc 4 “Xin” 4”Luôn”. Hãy nói xin chào, xin cảm ơn, xin lỗi và xin phép. Hãy luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ với thái độ chân tình, thiện ý.

Ông bà ta xưa nay thường nói “khi ta giận thì trí khôn đi vắng”, bởi thế cảm xúc đến từ suy nghĩ, cách nhìn nhận vấn đề của chúng ta. Chúng ta hãy tôn trọng lẫn nhau, mỗi khi người khác làm sai, làm mình tức giận, làm mình cảm thấy khó chịu hãy chậm lại 1 chút, để có thêm thời gian để lắng đọng lại, để suy nghĩ thêm một chút nữa, việc chúng ta giận dữ sẽ gây tổn hại cho đối phương như thế nào, họ sẽ buồn, mối quan hệ giữa chúng ta sẽ bị tổn thương như thế nào, ta sẽ được gì, phải chăng được thỏa mãn cái tôi ngay giây phút đó, nhưng sẽ mãi mất đi sự tôn trọng, sự yêu thương, làm cho người khác ngày càng xa rời bạn… Nhưng nếu bạn tư duy tích cực hơn, hãy nghĩ đến người đồng nghiệp đó, hay chính đứa con nhỏ dại của bạn, chính người vợ đầu ấp tai gối với mình họ đang có chuyện buồn, họ đang gấp gáp thực hiện do bận về nhà con đang bị ốm, hay chính sức khỏe của họ đang gặp vấn đề, nên họ không có được sự tập trung tốt nhất, dẫn đến sai sót, dẫn đến việc mình bực tức, khó chịu. Hãy cảm thông cho nhau, hãy chậm lại một nhịp để biết đâu mình sẽ có lý do để có thể bỏ qua những lỗi lầm của nhau.

Lớp học diễn ra với không khí vô cùng sôi nổi, sự tương tác tích cực giữa giảng viên và các thành viên trong lớp. Giảng viên đã truyền được cảm hứng cho người học qua những bài giảng mang tính nhân văn sâu sắc, những câu hỏi trắc nghiệm như đánh thức được sâu thẳm bên trong của mỗi người và những bài tập nhóm vô cùng sôi động.

Bên cạnh đó, mỗi thành viên của lớp học đều được trải qua những phút thư giãn vô cùng thoải mái với bài tập hít thở - thư giãn nhắm mắt để dưỡng thần, tịnh tâm để dưỡng trí, thân có khỏe thì tâm an, trí sáng. Bài tập yoga cười cũng giúp mọi người trở nên vui tươi, hào hứng hơn.

Chúng ta phải tự tạo động lực làm việc cho chính mình, phải biết cân bằng trong cuộc sống, vì đây chính là bí quyết thành công trong công việc và có được hạnh phúc trong gia đình.

Về phía Lãnh đạo Công ty luôn nhận thấy tạo động lực làm việc là vấn đề then chốt trong  thực thi văn hóa doanh nghiệp tại đơn vị, bên cạnh việc tạo động lực lao động thông qua các biện pháp, hệ thống lương, thưởng, phúc lợi xã hội, môi trường làm việc… cho người lao động thì cần hơn các việc để tạo động lực từ bên trong của Người lao động như việc công nhận, khen thưởng kịp thời, trao quyền, định hướng cho nhân viên, lắng nghe nhân viên….

Công ty rất cần một người có thái độ làm việc tốt, vì thái độ quyết định chất lượng làm việc của một cá nhân. Mỗi cá nhân muốn có thái độ làm việc tốt thì tâm trạng họ phải được cân bằng, và gia đình sẽ là yếu tốt vô cùng quan trọng để thúc đẩy vòng tròn hạnh phúc: suy nghĩ - cảm xúc – hành động – kết quả. Kết quả như thế nào là do chính bạn đấy!


  • PHTS Như Ý