Chiến lược phát triển

Tổng công ty phát điện 1 được thành lập theo quyết định số 3023/QĐ-BCT ngày 01-06-2012 và chính thức đi vào hoạt động vào ngày 01-01-2013 với các mục tiêu chủ yếu sau:

  • Sản xuất điện năng và đầu tư phát triển nguồn điện; đảm bảo phát điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng;
  • Kinh doanh đa ngành, trong đó kinh doanh điện năng và cơ khí điện lực là ngành kinh doanh chính; sản xuất kinh doanh có lãi; bảo toàn và phát triển vốn EVN đầu tư tại EVNGENCO 1 và vốn của EVNGENCO 1 đầu tư vào các doanh nghiệp khác. Sử dụng hợp lý các nguồn lực để tối đa hóa lợi nhuận, tích lũy đầu tư phát triển EVNGENCO 1;
  • Chuẩn bị các điều kiện cần thiết trong lĩnh vực kinh doanh điện năng để thị trường điện lực hoạt động theo lộ trình do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Trong thời gian không xa, EVNGENCO1 phấn đấu trở thành một Tổng công ty mạnh của Tập Đoàn Điện lực Việt Nam. Với lộ trình đó EVNGENCO1 đề ra các chiến lược:

  1. Đảm bảo các tổ máy/nhà máy vận hành an toàn, hiệu quả và sẵn sàng huy động trong mọi thời điểm theo yêu cầu của hệ thống điện Quốc gia.
  2. Đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện đáp ứng tiến độ, chất lượng đề ra, nhằm đảm bảo công tác đầu tư xây dựng các dự án có hiệu quả. 
  3. Đa dạng hóa các nguồn lực, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để huy động các ngồn vốn phục vụ công tác đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện.
  4. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh và hội nhập Quốc tế. 
  5. Sản xuất kinh doanh có hiệu quả, từng bước nâng cao thu nhập cho người lao động.
  6. Chú trọng công tác nghiên cứu cải tiến khoa học kỹ thuật, hợp tác chuyển giao công nghệ.
  7. Công tác SXKD và đầu tư xây dựng của Tổng Công ty phải luôn gắn liền với tiêu chí phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Để hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược nêu trên, các giải pháp thực hiện được đề ra:

  1. Ban hành các quy định về quản lý kỹ thuật, thường xuyên quan tâm chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác duy tu, bão dưỡng và sửa chữa các tổ máy. Phân cấp cho các đơn vị chủ động mua sắm thiết bị vật tư dự phòng.
  2. Ban hành các quy định hướng dẫn về công tác đầu tư, xây dựng phù hợp với các quy định hiện hành. Bám sát các mục tiêu tiến độ của các dự án để tập trung chỉ đạo điều hành. Thu xếp đủ vốn cho các dự án.
  3. Nguồn vốn cho các dự án trong tương lai sẽ được thu xếp từ nhiều nguồn khác nhau như: vay ưu đãi, vay thương mại, bán các tài sản thông qua công tác cổ phần hóa, liên danh liên kết cùng đầu tư, huy động các nguồn vốn khác từ xã hội.
  4. Xác định nguồn nhận lực là nhân tố quan trọng nhất đưa Tổng Công ty phát triển. Công tác tuyển chọn và đào tạo đội ngũ cán bộ công nhân viên được đặc biệt quan tâm. Hàng năm Tổng công ty dành một khoản chi phí để mở các lớp đào tạo CBCVN nâng cao kiến thức quản lý, chuyên môn và ngoại ngữ; cử người đi đào tạo ở nước ngoài. 
  5. Tham gia vận hành thị trường điện cạnh tranh có hiệu quả, sẵn sàng cắt giảm những khoản chi phí phục vụ SXKD và đầu tư xây dựng không cần thiết, áp dụng mức định biên lao động hợp lý tại các đơn vị, nhằm đảm bảo mục tiêu tăng năng suất, thu nhập cho người lao động và tăng hiệu quả SXKD của Tổng Công ty.
  6. Tổng công ty ban hành cơ chế chính sách khuyến khích các CBCNV phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật làm lợi trong quá trình sản xuất. Giao các Ban chuyên môn nghiên cứu, đề xuất các nội dung hợp tác và chuyển giao công nghệ với các đối tác trong và ngoài nước để cho triển khai thực hiện.
  7. Công tác bảo vệ môi trường sẽ được đặc biệt quan tâm nhằm giảm thiểu sự tác động có hại có thể gây ra trong quá trình hoạt động sản xuất, đầu tư xây dựng với môi trường xung quanh. Phấn đấu có những đóng góp quan trọng làm cho môi trường xung quanh thêm xanh, sạch, đẹp; tôn trọng và quan tâm đến cuộc sống cộng đồng, xã hội.


  • Phạm Phương Thảo (VP)