Tìm tiếng nói chung trong ứng phó thiên tai các Nhà máy thủy điện phía tây tỉnh Quảng Nam

Ký kết quy chế phối hợp liên hồ chứa, giữ thông tin liên lạc thông suốt, thông qua phương án phòng chống thiên tai năm 2022 giữa 19 nhà máy thủy điện với các địa phương lưu vực hạ du ... Đó là những giải pháp quan trọng ứng phó với mùa mưa bão năm nay.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (đứng đầu bên trái) đi kiểm tra tại Nhà máy thủy điện Dakmi4 ( ảnh: Tấn Sỹ)

Hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 có dung tích hơn 730  triệu mét khối nước. Đây là hồ chứa lớn nhất trong hệ thống thủy điện ở tỉnh Quảng Nam. Mùa lũ năm 2021, Công ty thủy điện Sông Tranh đã vận hành điều tiết, cắt và giảm lũ cho khu vực hạ du với hơn 600 triệu m3 nước. Ông Vũ Đức Toàn, Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh cho biết " Trong cơn lũ số 4 vào ngày 18/10/2021, với lưu lượng đỉnh lũ đạt hơn 4.700 m3/s, tổng lượng nước về hồ hơn 191 triệu m3. Công ty đã thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa theo quyết định 1865 của Thủ tướng Chính phủ  và lệnh vận hành của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, điều tiết về hạ du hơn 16 triệu m3 và giữ lại hồ chứa để cắt, giảm lũ với lượng nước là gần 176 triệu m3. Điều này đã giảm ngập lụt, cũng như thiệt hại đáng kể cho các huyện vùng hạ du nhà máy thủy điện. Năm 2022, đơn vị đã hoàn thành xong kịch bản ứng phó chi tiết với mùa mưa bão. Trong đó, ký quy chế phối hợp với các nhà máy thủy điện Sông Tranh 3, Sông Tranh 4 và các huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn... Đơn vị cũng lắp đặt hệ thống trạm đo mưa, loa cảnh báo, phát tin trên hệ thống Truyền thanh huyện, đưa xe lưu động đến từng xã, thôn để tuyên truyền, cảnh báo khi có tình huống mưa bão lớn xảy ra. Chúng tôi linh hoạt ứng phó với thiên tai và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân cũng như công trình." Ông Toàn nói thêm.

Đập tràn Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 nhìn từ hạ lưu ( ảnh: Tấn Sỹ )


Ông Nguyễn Hùng Anh-Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước thông tin, địa phương có xã Tiên Lãnh sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp đến việc điều tiết nước trong mùa mưa bão. Huyện đã xây dựng phương án ứng phó chi tiết với tình hình mưa bão, trong đó những hộ dân có nguy cơ sạt lở, ngập úng sẽ được di dời đến nơi an toàn. Việc phối hợp phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn giữa Công ty Thủy điện Sông Tranh và các đơn vị thủy điện trên hệ thống sông Thu Bồn với địa phương trong những năm qua là rất tốt. Điều này cũng giúp Tiên Phước hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do mưa bão gây ra. Tuy nhiên, việc thông tin liên lạc, cảnh báo qua hệ thống loa cũng cần được chú trọng hơn, nên sử dụng cùng lúc nhiều mạng viễn thông để công tác hướng dẫn và chỉ đạo kịp thời, thông suốt trong lúc mưa to, bão lớn. 

Công ty Thủy điện Sông Tranh trao đổi thông tin về công tác phòng tránh giảm nhẹ thiên tai với địa phương hạ du Nhà máy (ảnh: Thanh Thiên)

       Theo ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương, trên hệ thống sông Vu Gia có 11 đơn vị quản lý, vận hành các hồ thủy điện. Mùa lũ năm 2021, thủy điện A Vương đã cắt, giảm 228 triệu m3 nước đổ về hạ du, chiếm 26% tổng trữ lượng lũ về hồ; thủy điện Đăk Mi 4 cắt, giảm 730 triệu m3 nước, chiếm 40%; thủy điện Sông Bung 4 cắt, giảm 198 triệu m3 nước, chiếm 13%...Năm nay, chúng tôi tiếp tục ký quy chế phối hợp  tuân thủ quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ, bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du. Hiện nay, các nhà máy thủy điện đang khẩn trương duy tu, bảo dưỡng hệ thống thiết bị công trình, hệ thống giám sát vận hành hồ chứa, diễn tập, tập huấn, nâng cao kỹ năng ứng phó thiên tai, quyết tâm  cắt, giảm lũ hiệu quả cho hạ du và bảo đảm an toàn cho công trình...Ông Thế cho biết thêm.

Nhân viên Công ty Thủy điện Sông Tranh đang kiểm tra sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị sẵn sàng ứng phó trước mùa mưa lũ năm 2022 (ảnh: Tấn Sỹ )

Ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng BCH PCTT& TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết: theo dự báo của Trung tâm khí tượng Thủy văn TW, năm nay sẽ có 1-2 cơn bão và 5 -8 đợt mưa lớn ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Quảng Nam. Tổng lượng mưa sẽ cao hơn mức trung bình từ 20-40%. Trước những dự báo diễn biến phức tạp trong mùa mưa bão,  tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các thủy điện phải thực hiện tốt công tác chuẩn bị ứng phó, phòng ngừa rủi ro thiên tai. Trước ngày 15-8-2022, phải hoàn thành kiểm tra hồ chứa trước mùa lũ, duy tu và bảo dưỡng các hệ thống cảnh báo thiên tai vùng hạ du, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, vận hành thử các cửa van khoang tràn, công tác xây dựng phương án khẩn cấp...   Đồng thời, rà soát quy chế phối hợp với các địa phương để điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Quy chế vận hành liên hồ chứa, rồi phối hợp với các địa phương vùng hạ du đã được 19 đơn vị thủy điện thực hiện khá tốt trong những năm qua. Song không vì thế chúng ta lơ là, chủ quan, mà cần thực hiện tốt và nhịp nhàng hơn nữa. Có chung tiếng nói trong công tác ứng phó, sẽ giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra. Ông Tý nói thêm./.

 


  • Thanh Thiên - Tấn Sỹ