Nguồn cung từ cổ phần hóa còn nhiều dư địa hấp dẫn

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, ông có 3 thông điệp chia sẻ tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Việt Nam do Bộ Tài chính tổ chức tại Anh đầu tháng 7, trong đó có việc nguồn cung hàng hoá từ cổ phần hóa, thoái vốn DNNN được sàng lọc và sẵn sàng chào bán. Các danh mục hấp dẫn cụ thể tập trung ở 4 lĩnh vực. Thứ nhất, lĩnh vực năng lượng như các nhà máy phát điện của EVN, PVN, TKV (Genco 1,2,3; PV Power, TKV Power...). Thứ hai, lĩnh vực khai khoáng, chế biến như TKV, Lọc hoá dầu Bình Sơn, Ðạm Cà Mau, Ðạm Phú Mỹ... Thứ ba, lĩnh vực dịch vụ như VNPT, PV Oil... Thứ tư, lĩnh vực ngân hàng - bảo hiểm như Bảo Minh, Agribank...

 

 

Ðược biết, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam tổ chức tại Vương quốc Anh tới đây, ông sẽ giới thiệu với nhà đầu tư quốc tế về cơ hội tại Việt Nam, đến từ câu chuyện cổ phần hóa DNNN và niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK Việt Nam. Thông điệp đó là gì, thưa ông?

Tại hội nghị này, chúng tôi muốn truyền tải 3 thông điệp từ Việt Nam đến các nhà đầu tư châu Âu nói chung và các nhà đầu tư Anh nói riêng.

ảnh 1

Thứ nhất, một Việt Nam với các thể chế về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đổi mới theo hướng công khai, minh bạch và thị trường.

Thứ hai, nguồn cung hàng hoá ra thị trường được lựa chọn, sàng lọc và đang sẵn sàng chào bán. Thứ ba, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước luôn sẵn sàng chia sẻ, lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư châu Âu và Anh để cùng biến cơ hội thành hiện thực.

Trong công tác tái cấu trúc DNNN, danh mục doanh nghiệp mà chúng ta mong muốn mời gọi nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài là gì?

Danh mục các DNNN cổ phần hoá và danh mục thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang được Chính phủ Việt Nam công bố đều có những danh mục đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp từ châu Âu và Anh.

Có thể khẳng định, Chính phủ Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh cải cách khu vực DNNN, thúc đẩy các DNNN hoạt động hiệu quả, minh bạch và theo thông lệ thị trường gắn với phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Thu hẹp khu vực nhà nước, lấy mô hình công ty cổ phần niêm yết trên TTCK là mô hình chính cho các DNNN, qua đó đổi mới quản trị theo thông lệ quốc tế, trước mắt là các nguyên tắc quản trị OECD.

Các danh mục hấp dẫn cụ thể tập trung ở 4 lĩnh vực. Thứ nhất, lĩnh vực năng lượng như các nhà máy phát điện của EVN, PVN, TKV (Genco 1,2,3; PV Power, TKV Power...). Thứ hai, lĩnh vực khai khoáng, chế biến như TKV, Lọc hoá dầu Bình Sơn, Ðạm Cà Mau, Ðạm Phú Mỹ... Thứ ba, lĩnh vực dịch vụ như VNPT, PV Oil... Thứ tư, lĩnh vực ngân hàng - bảo hiểm như Bảo Minh, Agribank...

Ông có cho rằng, việc áp dụng phương thức bán vốn dựng sổ (Book Building) tại Việt Nam từ tháng 6/2019 sẽ giúp nhà đầu tư quốc tế dễ dàng tìm hiểu/trả giá và tham gia vào quá trình tái cấu trúc DNNN hơn?

Ðể tạo điều kiện cho các nhà đầu tư châu Âu và Anh thuận lợi tham gia đầu tư mua cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã nghiên cứu ban hành hướng dẫn phương thức bán cổ phần theo phương thức dựng sổ. Ðây là phương thức đánh dấu sự quyết tâm của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gắn thoái vốn, cổ phần hoá với thị trường, công khai, minh bạch và tuân thủ pháp luật.

Qua đây, giúp các nhà đầu tư loại bỏ e ngại về sự thiếu thông tin, có đủ thời gian đánh giá, tìm hiểu doanh nghiệp..., từ đó yên tâm với quyết định bỏ vốn mua cổ phần.


  • Theo Tin nhanh Chứng khoán