Công ty ĐHĐ triển khai ứng phó với cơn bão số 4

Trước diễn biến của cơn bão số 4 (Noru), sáng ngày 26/9/2022 ông Đặng Văn Cường - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (ĐHĐ) đã chủ trì cuộc họp chỉ đạo các đơn vị thực hiện các biện pháp sẵn sàng ứng phó.

Tổng giám đốc Đặng Văn Cường họp chỉ đạo công tác ứng phó bão số 4

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 10 giờ ngày 26/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 118,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 650km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 210km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km có xu hướng mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 113,2 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134 -149km/giờ), giật cấp 16.

Để chủ động trong công tác ứng phó với bão số 4, Tổng giám đốc Công ty ĐHĐ chỉ đạo Phòng Kỹ thuật và An toàn phối hợp với Phân xưởng vận hành Đa Nhim - Sông Pha và Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật tiến hành kiểm tra hệ thống thiết bị công trình, vật tư, trang thiết bị Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) đảm bảo yêu cầu 4 tại chỗ gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ để sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 4. Bên cạnh đó, Tổng giám đốc chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra hạ du hồ Đơn Dương, cảnh báo đến chính quyền và người dân địa phương các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng trong trường hợp hồ Đơn Dương xả nước theo Quy trình vận hành liên hồ chứa.

Ngay trong ngày 26/9/2022, Công ty ĐHĐ đã tiến hành kiểm tra hệ thống thiết bị công trình cụm nhà máy thủy điện Đa Nhim - Sông Pha. Kết quả kiểm tra cho thấy hệ thống máy phát điện dự phòng cho đập tràn Đơn Dương đang hoạt động bình thường; hệ thống thiết bị công trình các nhà máy thủy điện Đa Nhim và Sông Pha vận hành ổn định; trang thiết bị, vật tư phòng chống thiên tai đã được tập kết đầy đủ tại các khu vực theo quy định, sẵn sàng cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022.

Kết quả kiểm tra thực địa chiều ngày 26/9/2022 từ cầu D’ran thuộc thị trấn D’ran đến cầu Tu Tra thuộc xã Tu Tra, huyện Đơn Dương với chiều dài hơn 31 km cho thấy các tiêu báo lũ, bảng chỉ dẫn cảnh báo lũ dọc sông đã được Công ty ĐHĐ sơn sửa đảm bảo yêu cầu công tác cảnh báo lũ. Dọc theo dòng sông Đa Nhim, cây mai dương, cỏ dại mọc nhiều trên bãi bồi và sát lòng sông gây cản trở dòng chảy. Một số khu vực thuộc các xã Lạc Xuân, Lạc Lâm, Quảng Lập người dân đổ đất với khối lượng lớn bên bờ sông dễ gây ra sạt lở khi có lũ lớn trên sông. Tại các khu vực như cầu Châu Sơn, cầu Quảng Lập, thôn Kankil người dân đang canh tác hoa màu ngay cạnh dòng sông, có nguy cơ mất an toàn khi có lũ trên sông Đa Nhim.

Phía hạ lưu cầu Ka Đô, người dân đang canh tác hoa màu cạnh dòng sông

Người dân đang canh tác hoa màu hai bên bờ sông phía hạ lưu cầu Quảng Lập

Trước tình trạng người dân đang canh tác hoa màu và đổ đất với khối lượng lớn cạnh dòng sông gây nguy cơ mất an toàn, Công ty ĐHĐ đã báo cáo đến Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) huyện Đơn Dương để phối hợp tuyên truyền, cảnh báo, khuyến cáo người dân nhanh chóng thu hoạch và không tiếp tục trồng mới rau màu trong vùng bị ảnh hưởng khi có lũ trên sông Đa Nhim.

Trước đó, vào lúc 00 giờ 00 phút ngày 25/9/2022, mực nước hồ Đơn Dương đạt cao trình 1039,82 m, lưu lượng về trung bình ngày là 36,73 m3/s, lưu lượng chạy máy trung bình ngày là 25,78 m3/s. Từ 07 giờ 00 phút ngày 26/9/2022, Công ty ĐHĐ đã phối hợp với BCH PCTT&TKCN tỉnh Lâm Đồng tiến hành xả điều tiết nước qua đập tràn Đơn Dương với lưu lượng 15m3/s.


  • Nguyễn Ngọc Tuấn