Chia sẻ về phương pháp tìm kiếm thông tin, khai thác dữ liệu, học tập chủ động và áp dụng trong công việc

Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động được xác định là một trong những chương trình trọng tâm của Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn. Bên cạnh các kiến thức, kỹ năng được hướng dẫn bài bản, người lao động của Công ty cũng thường xuyên rèn luyện bằng cách tự học, tự tìm tòi nghiên cứu để chủ động hơn trong công việc.

Một trong những câu danh ngôn quen thuộc nhất đối với tất cả các thế hệ học sinh đó là “Học, học nữa, học mãi” của Vladimir Ilyich Lenin. Câu danh ngôn này đã theo chúng ta suốt quãng đời đi học của mình, và cho đến tận bây giờ, việc “Học, học nữa, học mãi” vẫn còn nguyên giá trị với tất cả chúng ta.

Và trong cái sự “Học” đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh – Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, một tấm gương sáng ngời về việc học tập, đã từng nói: “Trong cách học, phải lấy tự học làm cốt”.

Để xây dựng và phát triển Tổng công ty nói riêng và Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói chung, từng cá nhân, từng tổ đội, từng đơn vị cần ra sức học tập, trau dồi và chia sẻ kiến thức, kỹ năng để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Với mong muốn góp một phần nhỏ vào phong trào học tập chủ động, xây dựng Tổng công ty thành tổ chức học tập, bài viết dưới đây tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm về việc học tập chủ động của mình tại đơn vị Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn. Hy vọng rằng chút kinh nghiệm nhỏ bé này sẽ giúp ích được những đồng nghiệp của tôi, đặc biệt là những bạn trẻ mới là thành viên của ngôi nhà EVNGENCO1.

1. Kỹ năng tìm kiếm

Trong quá trình học tập chủ động, một trong những kỹ năng quan trọng là tìm kiếm thông tin, tìm kiếm tài liệu.

Trong kỷ nguyên internet, chúng ta có thể tiếp cận được với kho tàng kiến thức của nhân loại chỉ bằng một cú click chuột. Tuy nhiên trong khoảng một triệu kết quả được Google trả về trong vòng 0,3 giây đó, bạn thử xem có bao nhiêu kết quả mà bạn thấy có ý nghĩa với những gì mình mong đợi tìm được? Tất nhiên là không nhiều, thậm chí là không thấy.

Tất cả chúng ta đều biết rằng, thứ quan trọng nhất trong việc tìm kiếm trên internet là “Từ khóa” (Keyword). Nhưng để có thể nhận được ngay câu trả lời ưng ý nhất từ một hoặc hai kết quả tìm kiếm đầu tiên thì chúng ta phải thêm vào các bộ lọc.

Ví dụ, với những ai mới vào làm việc ở các dự án điện trong thời gian xây dựng và chạy thử, thì cụm từ “PAC” là rất phổ biến, tuy nhiên nó rất lạ đối với những người mới như tôi. Nếu bạn google “PAC là gì” thì kết quả đầu tiên sẽ ra là Nhôm chlorohydrate (Poly Aluminium Chloride). Thay đổi một chút keyword thành “What is PAC?”, kết quả sẽ là  Political action committee, vẫn chưa thấy liên quan gì đến nhà máy điện (?!). Để tìm được chính xác, chúng ta phải biết rằng PAC là tên viết tắt, và để tìm nghĩa của từ viết tắt, chúng ta sử dụng “What does PAC stand for?”. Thêm một thông tin nữa cho công việc tìm kiếm, “What does PAC stand for in Power Plant Project?”, chúng ta sẽ nhận được câu trả lời chính xác “Provisional Acceptance Certificate”.

Chúng ta cũng sẽ dùng những cụm từ quen thuộc khác cho việc tìm kiếm trên internet như “What is the difference between…” khi muốn biết sự khác nhau giữa cái này với cái kia hay đơn giàn là các cụm từ “How to…”, “Why…”…

Trên đây là kinh nghiệm về tìm kiếm của bản thân tôi khi tìm kiếm trên Google, đó là sử dụng tiếng Anh cho câu hỏi và cố gắng bổ sung thêm thông tin cho bộ lọc.

2. Khai thác các nguồn tài nguyên thông tin

Nếu bạn làm việc về lĩnh vực điện – điện tử, bạn có thể khai thác nguồn tài liệu quý giá từ IEC, IEEE, các diễn đàn trao đổi thông tin lớn như https://ieeexplore.ieee.org/, https://electrical-engineering-portal.com/, https://www.quora.com/, …

Bạn cũng cần khai thác thông tin từ các tài liệu hướng dẫn vận hành (O&M) cũng như các bản vẽ hoàn công (As-built) của dự án. Chúng ta cũng biết rằng, về quá trình công nghệ thì cần phải đọc bản vẽ “P&ID”, về sơ đồ logic cần xem “Logic diagram”, về bố trí thiết bị ta có “Assembly drawing”, sơ đồ một sợi là “Single line diagram”, bản vẽ mạch điều khiển sẽ là “Schematic diagram”.

Bạn nào yêu thích công việc thiết kế sẽ học được rất nhiều điều bổ ích trong cách bố trí thiết kế hệ thống rất khoa học từ các hãng nổi tiếng thế giới như GE, ABB, FES, Alstom…

3. Quay lại kiến thức cơ bản (B2B - Back to Basics)

Trải qua quá trình học tập rồi sau đó làm việc, sẽ có nhiều kiến thức mà phải rất lâu sau đó chúng ta mới sử dụng tới. Ngoài ra có những mảng kỹ thuật mà chúng ta không thể nắm rõ được toàn bộ vì có những lỗ hổng về kiến thức. Khi đó chúng ta cần quay lại với các kiến thức cơ bản nhất từ đó phát triển lên để thực sự hiểu rõ vấn đề. Nếu bạn chưa hiểu rõ kiến thức cơ bản trước đó, bạn sẽ có những phân tích và nhận định bị sai lệch khi vấn đề trở nên phức tạp hơn trước rất nhiều.

Một trong những cách đơn giản nhất để tìm kiếm kiến thức cơ bản là bạn có thể Google “Từ khóa + wiki”, nghĩa là ta sẽ tìm thẳng tới thư viện mở wikipedia để nhận được kết quả mà mình mong muốn.

4. Học từ chuyên gia, đối tác

Nếu bạn nào có may mắn được làm việc cùng các chuyên gia nước ngoài (đặc biệt là các chuyên gia đến từ các nước phát triển), hãy chú ý đến cách làm việc của họ. Những chuyên gia đến từ Nhật Bản nổi tiếng với cách làm việc tỉ mỉ và bài bản, những chuyên gia đến từ Châu Âu và Mỹ sẽ có kiến thức rất sâu và rộng với phong thái làm việc cực kỳ tự tin. Chúng ta sẽ thấy bản ghi thông tin (worksheet) của họ khi đi kiểm tra hiện trường (Local) với những bảng biểu được kẻ để ghi số liệu rất khoa học, tiếp đó là khả năng Minh họa” (illustration), nghĩa là các vấn đề kỹ thuật được minh họa rất sinh động bằng các hình vẽ với các biểu đồ, các đường đồ thị xu hướng (trend). Bạn cũng sẽ học được cách làm các bản báo cáo (Report) rất tuyệt vời từ họ: được trình bày mạch lạc, có đầy đủ dẫn chứng, minh họa chi tiết cho các vấn đề.

5. Hãy đọc bất cứ khi nào rảnh rỗi

Ngoài thời gian để xử lý các công việc hàng ngày, bất cứ khi nào có thời gian rảnh rỗi, bạn hãy xác định một chủ để yêu thích, một vấn đề mà bạn đang quan tâm và sau đó tìm các tài liệu liên quan tới chủ đề đó để đọc. Đọc các tài liệu này (đặc biệt là tài liệu bằng tiếng Anh) không những giúp bạn trau dồi kiến thức, phục vụ cho các công việc hiện tại (và có thể là sau này) mà còn bổ sung thêm vốn từ, cấu trúc và cách hành văn trong việc sử dụng ngoại ngữ./.


  • Lê Ngọc Vượng